Một công trình được đầu tư 62 tỉ đồng rồi bỏ hoang 5 năm ở Đắk Lắk: Do thiếu cơ chế, không thành lập được bộ máy điều hành?

VHO- Từng được kỳ vọng là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa cho lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên sau 5 năm hoàn thành xây dựng, trụ sở Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Đắk Lắk (Trung tâm) hầu như bị bỏ hoang. Hiện nay, bên trong trụ sở nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, bên ngoài người dân vô tư tận dụng làm điểm phơi nông sản, chăn thả gia súc.

Một công trình được đầu tư 62 tỉ đồng rồi bỏ hoang 5 năm ở Đắk Lắk: Do thiếu cơ chế, không thành lập được bộ máy điều hành? - Anh 1

 Bên trong thì xuống cấp, bên ngoài khuôn viên được người dân tận dụng làm sân phơi và nơi chăn thả gia súc

 Nhiều năm nay, khi đi trên đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), người dân dễ dàng nhận thấy một công trình được xây dựng quy mô lớn, nằm ở vị trí khá đắc địa nhưng lại bị bỏ hoang. Đó là công trình Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Đắk Lắk. Công trình này xây dựng hoàn thành và bàn giao từ năm 2017 với tổng kinh phí khoảng 62 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn tỉnh Đắk Lắk 18,2 tỉ đồng, còn lại là vốn của Trung ương Đoàn). Công trình gồm một tòa nhà đa chức năng 2 tầng, diện tích sử dụng 3.000m2; một bể bơi và 2 dãy vệ sinh, thay đồ; sân bê tông rộng 1.500m2 và hệ thống cổng, tường rào bảo vệ xung quanh.

Theo ghi nhận, bên ngoài tòa nhà, phần tường rào xung quanh bị hư hỏng nhiều chỗ, cỏ và dây leo mọc um tùm. Khu vực này trở thành điểm chăn thả bò cho người dân. Phần sân bê tông phía trước tòa nhà hiện cũng trở thành nơi phơi nông sản của người dân. Ông Võ Đình Thận, nhân viên bảo vệ Trung tâm cho biết, “tôi làm ở đây được 5 năm rồi, thấy lâu lâu bên đoàn viên có họp 1-2 lần gì đó. Từ ngày tôi ở là không có điện, có nước, phải đi sang mấy nhà dân hàng xóm xin về dùng. Công trình thì hư hỏng, dột trên tầng 2, mái phía trước thì gió thổi bay mất rồi. Xung quanh khuôn viên người dân tận dụng làm sân phơi nông sản và chăn thả gia súc”. Một người dân sống gần trụ sở Trung tâm nói: “Em thấy ít hoạt động lắm, đợt trước dịch Covid-19 thì cũng thấy bên đoàn thanh niên tới giao lưu văn nghệ được 1-2 lần, sau dịch thì không thấy nữa. Rồi thấy bỏ không thì một số bà con thả trâu, bò trong đó, còn nông sản thì lâu lâu cũng thấy chở tới phơi”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk thừa nhận: Dự án Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên xây dựng với mục tiêu làm nơi tổ chức các chương trình liên quan đến giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xã hội; giáo dục thể chất, tinh thần, giáo dục pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho các em thanh, thiếu niên. Ngoài ra, đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa, là sân chơi cho các em học sinh thư giãn sau giờ học tập. Tuy nhiên, từ ngày công trình được bàn giao đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do vướng cơ chế, không xây dựng được bộ máy nhân sự để điều hành Trung tâm. Hiện nhiều hạng mục đang xuống cấp trầm trọng. “Nguyên nhân là do thiếu cơ chế, không thành lập được bộ máy điều hành. Tỉnh đoàn đang thiếu 18 biên chế, trong khi quy định hiện hành cũng không cho thành lập mới Trung tâm. Ngoài ra, khi công trình hoàn thành vào năm 2017 thì các tuyến đường giao thông khu vực này chưa hoàn thiện. Khi giao thông thông suốt thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến các hoạt động không tổ chức được”, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk nói.

Chị H’Giang Niê cho biết thêm, Tỉnh đoàn đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung thêm kinh phí sửa chữa các hạng mục hư hỏng. Đồng thời, bố trí chỉ tiêu biên chế thành lập bộ máy điều hành hoạt động trung tâm; phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương cùng tham gia để đưa trung tâm vào hoạt động. “Chúng tôi đã chỉ đạo Thành đoàn Buôn Ma Thuột cùng chung tay với lực lượng đoàn viên thanh niên của Tỉnh đoàn thực hiện các phần việc thanh niên để đảm bảo mỹ quan cho Trung tâm. Phối hợp với UBND phường Tự An tuyên truyền, vận động các hộ dân không chăn thả gia súc, sử dụng sân Trung tâm để phơi nông sản. Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng tuyên truyền đến các hộ dân xung quanh nhắc nhở con em không vào khu vực bể bơi chơi để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk H’Giang Niê thông tin.

Để giải quyết vướng mắc của dự án, hiện nay Tỉnh đoàn Đắk Lắk đang xin chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động thiết chế văn hóa thiếu nhi tại trung tâm. Trong đó, nhà đầu tư sẽ tổ chức, thực hiện hoạt động vui chơi, trải nghiệm có tính giáo dục cho thanh thiếu nhi để công trình phát huy được hiệu quả. 

 Nguyên nhân là do thiếu cơ chế, không thành lập được bộ máy điều hành. Tỉnh đoàn đang thiếu 18 biên chế, trong khi quy định hiện hành cũng không cho thành lập mới Trung tâm. Ngoài ra, khi công trình hoàn thành vào năm 2017 thì các tuyến đường giao thông khu vực này chưa hoàn thiện. Khi giao thông thông suốt thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến các hoạt động không tổ chức được.

(Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk H’GIANG NIÊ)

 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc